Từ nhận định việc kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục; đề xuất tổ chức duy nhất kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp để xét tuyển Đại học, Cao đẳng

"Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam " là một trong những trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Bài viết này nhấn mạnh: - Phân ban tích cực và rõ ràng ở Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp là tiền đề, là nhu cầu cho việc xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng và các Trường nghề. - Đề nghị mỗi năm Bộ Giáo dục- Đào tạo và Sở GD- ĐT các tỉnh, thành phối hợp tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất cho Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp nhằm tổng kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động giáo dục của toàn ngành trong một năm. - Kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục phải có tiêu chuẩn, thường xuyên, nghiêm túc và khách quan.
Từ nhận định việc kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục đề xuất tổ chức duy nhất kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp để xét tuyển Đại học, Cao đẳng.
                                                                                 TS. Sông Thu Bùi Văn Bảy
                                                                         Viện Trưởng Viện Khoa học quản trị Phương Nam
 
A- Kiểm tra, đánh giá:        
 
1. Kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục.
Kiểm tra là xem xét việc thực hiện một vấn đề nhằm nắm vững sự thật đang diễn ra để điều chỉnh hướng đến mục tiêu. Kiểm tra phải đi đôi với nhận xét, đánh giá. Kiểm tra đánh giá hoạt động giáo dục nhằm điều chỉnh hoạt động giáo dục đúng quy trình, quy định, theo kế hoạch và hướng đích.
 
Đánh giá một hành vi, hành động là đối chiếu hành vi, hành động đó với giá trị chuẩn của một hành vi, hành động chuẩn được xã hội chấp nhận, quy định.
 
Muốn đánh giá đúng, chính xác hoạt động giáo dục thì tiêu chuẩn, quy định, quy trình kiểm tra phải được cụ thể, rõ ràng, có mốc thời gian, thực hiện được. Hình thức kiểm tra càng linh hoạt thì công tác kiểm tra càng đạt chất lượng yêu cầu. Đánh giá đúng phản ánh được nhân cách, năng lực của đối tượng.
 
Kiểm tra đánh giá hoạt động giáo dục bao gồm kiểm tra đánh giá hoạt động quản lý của người quản lý, kiểm tra đánh giá hoạt động dạy học của thầy cô và kiểm tra đánh giá hoạt động học tập của HS/SV; ba hoạt động kiểm tra đánh giá nầy đều quan trọng, tác động với nhau rất chặt chẽ. Trong bài nầy chỉ xem xét kiểm tra đánh giá hoạt động dạy và học.
 
2. Yêu cầu đối với người kiểm tra đánh giá; phương cách kiểm tra đánh giá:
Cán bộ, người làm công việc kiểm tra là những người công minh, nắm vững và sâu sát lĩnh vực mình được chỉ định kiểm tra; người kiểm tra cần phải biết mình cần kiểm tra đánh giá nội dung gì, vấn đề gì không cần thiết phải kiểm tra, hoặc không liên quan vấn đề cần kiểm tra đánh giá.
Nhóm kiểm tra có nhận xét riêng của từng cá nhân, thảo luận kỹ trong nhóm kiểm tra những phần chưa rõ, chưa thống nhất để dẫn đến đánh giá kết luận. Người kiểm tra phải nghe người được kiểm tra giải trình những chỗ khúc mắc, cần suy nghĩ sâu. Song, kiểm tra thì phải khách quan để có được đánh giá đúng.
 
Có nhiều phương cách kiểm tra như kiểm tra chéo, kiểm tra hàng dọc; kiểm tra cuối quá trình đào tạo, cuối kỳ; có định kỳ, không định kỳ có báo trước nhằm nắm được hiệu quả giảng dạy, quản trị, điều hành. Cần lắng nghe dư luận, tiếng đồn vì đây là lượng thông tin gây chú ý cho xã hội, góp phần nhắc nhở việc kiểm tra, thanh tra.
 
3. Kiểm tra đánh giá hoạt động dạy học:
a. Kiểm tra hoạt động dạy lý thuyết hoặc dạy thực hành của người dạy.
Kiểm tra đánh giá một thầy cô dạy lý thuyết trên lớp, không nên dự cách khoảng thời gian xa, hoặc chỉ dự một lần, mà cần phải có 3 lần liên tục dự giờ dạy trên lớp, mỗi lần từ 1-2 tiết. Việc dự giờ liên tiếp giúp cho người kiểm tra nắm được kết quả dạy và học lần vừa qua, nắm sâu hơn sức học của lớp, hiệu quả giảng dạy rèn luyện chuyên môn và giáo dục nhân cách cho HS/SV. Giáo dục nhân cách có thể thông qua cách đi đứng, ngồi, viết bảng, kiểm tra học sinh sinh viên, giọng nói, diễn đạt của thầy cô và phương cách thầy cô uốn nắn cho từng HS/SV, từng nhóm, cả lớp.
 
Kiểm tra đánh giá một buổi dạy thực tập, thí nghiệm của thầy cô dạy thực nghiệm cũng tương tự như trên bục giảng lý thuyết; cái khác ở đây là HS/SV trực tiếp dùng mắt mũi, tay chân thực hành dưới sự quan sát, hưỡng dẫn, uốn nắn, nhận xét của thầy cô. Như vậy, cần xem xét cách tổ chức, phân công, chuẩn bị, nề nếp của HS/SV mà thầy cô đã quy định cho nhóm thực tập, thí nghiệm.
 
Kiểm tra, đánh giá một tiết dạy của thầy cô là xem xét thầy cô truyền thụ được nhiều ít (%) lượng kiến thức và rèn luyện được nhiều ít (%) cho HS/SV. Chẳng hạn thầy cô đã kiểm tra bài cũ và học sinh sinh viên có thể giải đáp được nhiều ít, đúng sai; trong phần xây dựng bài mới, HS/SV có tham gia tích cực hay thụ động, có tập trung vào phần nội dung thầy cô muốn hướng đến hoặc HS/SV đóng góp lệch lạc; xem thầy cô củng cố tiết dạy và dặn dò HS/SV về nhà tự học tập cái gì, như thế nào. Từ đó, căn cứ vào tiêu chí kiểm tra mà đánh giá tiết dạy Tốt, Khá, TB, Yếu.
 
b. Kiểm tra việc học của HS/SV.
Muốn kiểm tra việc học của HS/SV, thầy cô có thể kiểm tra miệng, viết. Thời gian kiểm tra viết có thể là 15 phút, 1 tiết, 2 tiết; 1 buổi. Nếu cho bài kiểm tra trên giấy thời gian 15-30 phút thì chấm và giải đáp ngay vào buổi dạy kế tiếp, nếu ngâm lâu cả tháng trời, HS/SV sẽ tiếp thu giải đáp thấp.
Khi chấm bài kiểm tra, tại mỗi bài làm của HS/SV, thầy cô bắt buộc phải ghi nhận xét, đánh giá và cho điểm rõ ràng bằng mực đỏ; thầy chuẩn bị một bản nhận xét chung về bài làm của cả lớp, của vài bài cá biệt giỏi và kém. Khi trả bài kiểm tra, thầy cô có nhiều cách, vào sổ điểm trước khi trả bài kiểm tra, có thể cho 1 em tiêu biểu lên làm bài cho cả lớp góp ý, nhận xét theo hướng dẫn của thầy cô. Luôn luôn có lời động viên, khuyến khích những em học yếu có phấn đấu, động viên những em học giỏi, khuyến khích HS học theo nhóm nhỏ. Kiểm tra và trả bài kiểm tra phải biến thành thói quen, kỹ xảo của người đứng trên bục giảng có tâm đức tài.
 
Mỗi một việc làm dù đơn giản đến phức tạp bao nhiêu cũng cần có sự động não, chuẩn bị kỹ lưỡng trước, nếu làm qua loa sẽ có việc “cháy, ướt, ngập” giáo án,  phòng thí nghiệm.
 
4. Kiểm tra đánh giá hoạt động học- Ôn luyện và tự ôn luyện:
Kiểm tra đánh giá dạy và học một chương theo quy định hoặc thầy cô thấy cần thiết tự cho, thì cần kéo dài trong vòng 1- 2 tiết. Đề kiểm tra phải chuẩn bị kỹ, đi vào trọng tâm nội dung của chương, gồm nhiều câu hỏi từ dễ đến trên trung bình, cần dành một câu khó hơn cho HS giỏi.
Ôn luyên và tự ôn luyện là một phần quan trọng trong quá trình dạy và học, nó gắn liền với công việc kiểm tra đánh giá. Tự ôn luyện là nhiệm vụ của người học đối với bản thân mình.Tự ôn luyện mỗi ngày, cuối mỗi tuần hoặc ôn luyện sau khi học hết một chương, sau một chuyên đề, ôn luyện trước khi kiểm tra, thi. Học mà không có ôn luyện giống như một người khi ăn chỉ nuốt mà không nhai kỹ, nghĩa là thực phẩm không được tiêu hóa để chuyển đổi thành chất bổ dưỡng nuôi cơ thể, sinh bịnh hoạn.
Tự ôn luyện phải gắn liền với việc lắng nghe, ghi chép có hệ thống trên giấy để dễ dàng hệ thống hóa, rèn luyện kiến thức đã học.  
Trước khi ôn luyện tập thể, mỗi cá nhân phải tự ôn luyện; đây là một bước rất quan trọng của ôn luyện. Quá trình tự ôn luyện giúp người học khắc sâu những kiến thức đã học, phát hiện những kiến thức mới. Chính việc tự ôn luyện và tự hệ thống hóa kiến thức giúp cho người học biến kiến thức thầy cô thành cái của mình, kỹ năng, kỹ xảo. HS/SV thụ động chờ thầy cô ôn luyện chỉ nhớ lõm bõm những điều đã học. Đây là tiêu cực trong học tập!
 
Việc kiểm tra xét tốt nghiệp ở bậc Tiểu học, bậc THCS, trường nghề, trường chuyên nghiệp, trường ĐH-CĐ thì Bộ GD-ĐT nên giao cho lãnh đạo trường chịu trách nhiệm; cần mạnh tay giao cho cơ sở, chỉ theo dõi chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra là tốt. Tuy nhiên mỗi trường cần tổ chức kiểm tra, xét tốt nghiệp nghiêm túc để tránh tình trạng ngồi nhầm lớp, cấp bằng không đúng đối tượng. Bộ GD-ĐT cần tập trung tiền của, công sức và thời gian vào kỳ thi tốt nghiệp THPT-TCCN cấp quôc gia hằng năm.
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT-THCN hằng năm là một tổng kiểm tra đánh giá kết quả học tập, nhằm đánh giá thành quả của cả một quá trình giáo dục hơn 12 năm.
 
 
B- Quan hệ giữa phân ban ở giáo dục THPT-THCN (cấp học trung gian) với tuyển sinh ĐH- CĐ
 
Nhằm thực hiện thông suốt ba hoạt động phân ban ở Trung học phổ thông- Trung học chuyên nghiệp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT- THCN và tuyển sinh ĐH-CĐ thì việc kiểm tra đánh giá phải được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên ở bộ phận quản lý và người quản lý, bộ phận dạy và người dạy, tập thể người học và người học.
 
Trung học phổ thông và Trung học chuyên nghiệp là cấp giáo dục đào tạo trung gian của hệ thống trường ở các bậc giáo dục, tiếp nối giữa THCS với ĐH-CĐ. Vì lẽ đó, trong quá trình tổ chức các khối lớp học 10, 11, 12 ở THPT hoặc các khối lớp tương đương ở THCN, ta dùng biện pháp phân ban môn học nhằm tuyền thụ kiến thức và rèn luyện học sinh toàn diện. Chẳng hạn như phân ban Toán, ban Văn, ban Vạn vật thì mỗi môn học trọng tâm trong một ban phải có hệ số điểm lớn nhất, để cuối kỳ, sau khi nhân hệ số lấy trung bình cộng kết quả rèn luyện cuối kỳ (học kỳ, năm học, quá trình học) sẽ phản ánh năng lực toàn diện của từng học sinh; kết quả học tập nầy giúp cho trường ĐH-CĐ tuyển sinh tiếp theo sẽ tập họp được những người học đồng bộ, ít chênh lệch.
 
Như vậy, ta nhận thức được hoạt động giáo dục ở THPT-THCN có 2 nhiệm vụ: nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, rèn luyện toàn diện và nhiệm vụ chuẩn bị cho HS theo học trường ĐH- CĐ kế tiếp.
 
Mục đích của tuyển sinh ĐH-CĐ là lựa chọn thí sinh có đủ điều kiện, năng lực để tập trung thành một tập thể lớp học hoặc khóa học có trình độ khởi đầu ngang bằng, thuần nhất. Nhờ vào yếu tố ngang bằng, thuần nhất nầy, thầy cô dễ tập trung, ít mất thời gian khi truyền đạt kiến thức, dẫn đến hiệu quả cao. Tập thể thí sinh đồng nhất nhiều mặt có khả năng tiếp thu, lĩnh hội tri thức đồng đều, hiệu quả đầu ra, tốt nghiệp có chất lượng cao.
 
Mỗi loại trường dù là Đại học, Cao đẳng hoặc Trung cấp (kỹ thuật, kinh tế, GD, giao thông, hàng không, hàng hài, tàu bè, văn hóa, nghệ thuật, y dược,…) đều có những yêu cầu nội dung kiến thức chuyên biệt, hình thức học tập khác nhau; tuy nhiên trong các ngành học, phân ngành cũng có những nội dung kiến thức có cùng trọng tâm, được truyền giảng trong học kỳ đại cương.
Các trường ĐH-CĐ có những chuyên ngành đào tạo cao rộng hơn, tiếp nối chặt chẽ nội dung các môn học HS đã học ở các ban của THPT- THCN.  
 
 
C- Đề xuất hình thức và nội dung kỳ thi tốt nghiệp THPT-THCN
 
Tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT-THCN toàn quốc hằng năm là công tác KT-ĐG cực kỳ quan trọng, cần thiết của nền giáo dục quốc dân, nó cho ta kết quả hoạt động dạy của thầy cô và kết quả học tập của tập thể và cá nhân từng học sinh.
Bộ và các Sở GD-ĐT tổ chức Hội đồng thi, Hội đồng chấm thi, ngân sách, điều động giám thị, giám khảo; các ban ngành khác góp phần ổn định công tác thi. Kỳ thi phải đạt các yêu cầu: Nghiêm túc- ổn định- an toàn- công bằng- minh bạch; đề thi được bảo mật, an toàn, có trọng tâm kiến thức, không sai sót, có câu hỏi mở, có phần thi trắc nghiệm khoanh a,b,c, d; rải đều kiến thức các khối lớp, các môn học; đề thi dành 10%-20% cho câu hỏi sâu hơn để phát hiện người giỏi, xuất sắc; các câu hỏi phải rõ ràng, không sai sót. Đáp án cụ thể, dễ cho điểm, sử dụng thang điểm 20.
 
Học môn gì, thi môn đó”, không được bỏ kiểm tra những môn đã cấu trúc trong chương trình học tập, bởi vì khi cấu trúc nội dung chương trình, nhà khoa học giáo dục đã lượng định những lượng kiến thức nào HS phải học tập, rèn luyện thành kỹ năng kỹ xảo để sau khi tốt nghiệp người học sẽ được đào tạo cao rộng hơn ở ĐH-CĐ  thành “người công dân, nguồn nhân lực” tốt cho xã hội sau nầy.
Học sinh học ban nào (Toán, Văn, Vạn vật, v.v.) thì căn cứ hệ số điểm để cộng điểm, xếp loại, đánh giá trong học bạ; HS cần nộp đơn đăng ký vào các trường ĐH-CĐ tương ứng với ban đã học. Lúc làm hổ sơ dự thi tốt nghiệp THPT-THCN thì được trường đang dạy hướng dẫn chọn trường ĐH-CĐ. Mỗi trường Đại học, Cao đẳng chỉ thu nhận HS có kết quả thi tốt nghiệp và học bạ đúng chuẩn. Thí sinh nào không đạt điểm trung bình, nghĩa là trượt, không tốt nghiệp, thì rèn luyện tiếp để năm sau thi tốt nghiệp THPT-THCN lại. Mỗi HS chỉ được dự tối đa 3 kỳ thi tốt nghiệp THPT-THCN mà thôi.
 
 
D- Kết luận
 
Mục đích, yêu cầu phân ban các môn học, hệ số từng môn học ở Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp là tiền đề về tiêu chuẩn đầu vào cho tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.
Cho nên làm tốt công tác phân ban, kiểm tra đánh giá việc dạy và học đúng quy định,
làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT- THCN là đã thực hiện được phần căn bản nhiệm vụ của tuyển sinh vào ĐH-CĐ. Trường Đại học, Cao đẳng chỉ cần căn cứ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT-THCN, đối chiếu tiêu chuẩn của trường mình, sẽ chọn được số lượng sinh viên đầu vào theo nhu cầu; bởi vì quá trình thầy cô truyền thụ kiến thức, rèn luyện nhân cách học sinh đã được thực hiện nghiêm túc song hành với quá trình kiểm tra, đánh giá xuyên suốt hoạt động quản lý, hoạt động dạy và học.
 
Phân tích sâu rộng hoạt động giáo dục nói chung, ta mới nhận thức được mối liên hệ cốt lõi, khắng khít giữa việc phân ban các môn học ở cấp THPT-THCN với việc kiểm tra đánh giá và tuyển sinh CĐ-ĐH. Các hoạt động phân ban ở THPT-THCN, tổ chức thi tốt nghiệp THPT-THCN, tuyển sinh CĐ-ĐH làm được chặt chẽ, thông suốt, chính xác thì tạo được dòng chảy giáo dục đi đúng mạch vốn có của nó:
Phân ban => Thi tốt nghiệp THPT- THCN => Tuyển sinh ĐH-CĐ là dòng chảy của GD.
 
Hoạt động đúng dòng chảy giáo dục nầy chắc chắn tiết kiệm được ngân sách giáo dục quốc gia hằng năm vô cùng lớn.
 
Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Trung học chuyên nghiệp là kỳ thi tốt nghiệp có quy mô toàn quốc, thi tập trung do Bộ Giáo dục- Đào tạo chủ trì. Kết quả thi phản ánh, đánh giá đúng kiến thức bản thân, nhân cách và năng lực của thí sinh sau 12 (hoặc 11) năm học tập. Kết quả kỳ thi cũng cho ta biết hiệu quả của 12 (11) năm quản lý và giảng dạy của ngành giáo dục, nắm được trình độ, năng lực nguồn lực non trẻ vừa tốt nghiệp để đào tạo tiếp, đồng thời điều chỉnh, định hướng hoạt động giáo dục quốc gia.
 
Các từ viết tắc: GD-ĐT: Giáo dục và đào tạo; QL: Quản lý; GV: Giảng viên; gv: Giáo viên; KT-ĐG: Kiểm tra đánh giá; D-H: Dạy và học; THPT: Trung học phổ thông; THCN: Trung học chuyên nghiệp; TCN: Trung cấp nghề; THCS: Trung học cơ sở; TiH: Tiểu học.

Tác giả bài viết: TS. Bùi Sông Thu